Trong các chỉ báo đo lường giao động, ngoài những cái tên quen thuộc như RSI, Stochastic thì còn một chỉ báo cũng được nhiều nhà đầu tư sử dụng đó là DeMarker. Vậy bạn đã biết chỉ báo DeMarker là gì? Công thức tính, đặc điểm và cách giao dịch với chỉ báo này? Nếu chưa, hãy cùng Investo tìm hiểu qua bài viết ngay sau đây nhé!
Chỉ báo DeMarker (DeM) là gì?
Chỉ báo DeMarker (viết tắt là DeM) là chỉ báo kỹ thuật so sánh giá tối đa và tối thiểu gần nhất với giá của kỳ trước đó. Đây là chỉ báo dao động được phát triển bởi nhà phân tích kỹ thuật Thomas DeMark. Dựa vào DeMarker Indicator, nhà đầu tư có thể đo lường động lượng thị trường, xác định hướng di chuyển của giá và thời điểm nên tham gia vào thị trường hay mua hoặc bán tài sản.
Chỉ báo DeMarker là gì?
Cách tính chỉ báo DeMarker
Công thức tính chỉ báo DeMarker được thiết lập như sau:
Đầu tiên là lựa chọn chu kỳ cho chỉ báo, thường có giá trị mặc định là 14. Tuy nhiên, trader cũng có thể tăng chu kỳ lên để chỉ báo hiển thị mượt hơn hoặc giảm chu kỳ xuống để chỉ báo nhạy cảm hơn. Sau đó tính toán giá trị của chỉ báo theo công thức:
DeMax = Max Price (i) – Max Price (i-1) > 0, nếu kết quả ≤ 0 thì DeMax = 0.
DeMin = Min Price (i) – Min Price (i-1) > 0, nếu kết quả ≤ 0 thì DeMin = 0. DeM = MA (DeMax) / [MA (DeMax) + MA (DeMin)]. |
Đặc điểm
DeMarker là chỉ báo giao động, sở hữu các đặc điểm nổi bật sau đây:
- Là chỉ báo dẫn dắt, thuộc loại chỉ báo giao động vì cung cấp cho nhà đầu tư những tín hiệu về sự thay đổi sắp xảy ra trong xu hướng giá.
- DeMarker thường được sử dụng kết hợp với các tín hiệu khác và thường dùng để xác định đỉnh, đáy của thị trường, đo lường mức độ rủi ro.
- Có thể áp dụng cho bất kỳ khung thời gian nào vì chỉ báo DeMarker dựa trên dữ liệu giá tương đối.
- Tập trung vào mức giá cao nhất và thấp nhất trong giai đoạn, không giống với RSI là chỉ tập trung vào mức giá đóng cửa.
- Không có nhiều biến động như các chỉ số khác như ROC (The Rate of Change).
DeMarker là chỉ báo dao động, cung cấp các tín hiệu về sự thay đổi của xu hướng giá sắp xảy ra
Ý nghĩa
Các nhà đầu tư có thể sử dụng chỉ báo DeMarker để xác định:
- Động lượng thị trường: Chỉ báo DeMarker đo lường sức mạnh và động lượng của thị trường, giúp nhà đầu tư dự đoán tiềm năng đảo chiều của xu hướng.
- Tín hiệu mua quá mức/bán quá mức: Dựa vào các tín hiệu mua quá mức và bán quá mức mà DeMarker cung cấp, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định giao dịch hiệu quả.
- Đặt mức cắt lỗ và chốt lời: Chỉ báo DeMarker cũng có thể được sử dụng để tìm kiếm điểm cắt lỗ và chốt lời, giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro, tối đa hóa lợi nhuận.
Chiến lược giao dịch với chỉ báo DeMarker
Chỉ báo DeMarker được thể hiện hiện trên biểu đồ dưới dạng một đường cong dao động duy nhất và không làm mịn dữ liệu. Khoảng thời gian mặc định để tính toán giá trị của DeMarker Indicator là 14 ngày.
- Nếu số chu kỳ càng tăng lên thì đường cong của chỉ báo sẽ càng mượt.
- Nếu số chu kỳ càng nhỏ thì đường cong sẽ càng trở nên nhạy cảm.
Giá trị của chỉ báo DeMarker được giới hạn trong khoảng từ 0 đến 1, giá trị cơ sở là 0,5. Một số biến thể của DeMarker sẽ có giới hạn trong khoảng từ 100 đến -100.
- Thông thường, giá trị của DeMarker sẽ dao động trong khoảng từ 0,3 đến 0,7, cho thấy thị trường có ít biến động và rủi ro thấp.
- Nếu giá trị của DeMarker vượt ra khỏi ngưỡng trên sẽ là tín hiệu cho thấy thị trường có nhiều biến động, tính rủi ro cũng cao hơn.
- Giá trị của DeMarker Indicator từ 0 đến 0,3 là vùng quá bán, nhiều khả năng giá sẽ đảo chiều từ giảm sang tăng.
- Giá trị của DeMarker Indicator từ 0,7 đến 1 là vùng quá mua, có khả năng giá sẽ đảo chiều từ tăng sang giảm.
Dựa vào các tín hiệu quá mua và quá bán của chỉ báo DeMarker để tìm điểm giao dịch phù hợp
Hiệu lực của các chỉ báo DeMarker
DeMarker là chỉ báo thường được các nhà đầu tư sử dụng để xác định thời điểm tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, về cơ bản thì lý do để sử dụng chỉ báo DeMarker không thực sự rõ ràng, việc lựa chọn các tham số của chỉ báo cũng không có dữ liệu hỗ trợ.
Một nghiên cứu gần đây được thực hiện để đánh giá xem các chiến lược DeMarker có phải là công cụ phù hợp để xác định Market Timing hay không. Kết quả là số lượng tín hiệu mà DeMarker tạo ra là rất ít.
Bên cạnh đó, dù DeMarker được cho là phương pháp giúp xác định thời điểm đảo chiều của xu hướng. Song trong một số trường hợp, có tín hiệu từ chỉ báo nhưng giá vẫn duy trì xu hướng hiện tại.
Vì vậy, nhà đầu tư không nên sử dụng chỉ báo DeMarker một cách riêng lẻ mà nên kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật khác để hạn chế các tín hiệu nhiễu, gây ảnh hưởng đến kết quả giao dịch.
Kết luận
Chỉ báo DeMarker được xem là công cụ hữu hiệu để trader dự đoán về sự thay đổi sắp xảy ra của xu hướng. Tuy nhiên, không có một chỉ báo nào là hoàn hảo, kể cả DeMarker. Vì vậy, trader nên kết hợp chỉ báo này với các công cụ khác để gia tăng độ chính xác khi giao dịch. Ngoài ra cũng đừng quên theo dõi website Investo để cập nhật thêm nhiều kiến thức về đầu tư nhé!
Huỳnh Hà